Bạn biết gì về CBDC? Tương lai CBDC sẽ đánh bại Bitcoin, Etherum?
CBDC - Central Bank Digital Currency - Tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành chính, là trụ cột của cuộc đua phát hành tiện điện tử của các chính phủ
- July 17, 2021
Năm 2008, Satoshi Nakamoto, một nhân vật được cho là cha đẻ của Bitcoin đã cho ra mắt khái niệm tiền kỹ thuật số với mong muốn: Giành lại quyền kiểm soát tiền tệ từ tay chính phủ, các tổ chức lớn về tay của những người dân bình thường. Ông mong muốn mọi giao dịch có thể diễn ra giữa 2 bên với nhau, được công nhận bởi cộng đồng người dùng qua công nghệ blockchain, không cần sự giám sát của bên thứ ba như ngân hàng, chính phủ hay công ty tín dụng. Đến năm 2021, có lẽ mọi người cũng đã nhìn thấy, Bitcoin hay toàn bộ những đồng tiền kỹ thuật số hiện nay nói chung đều đã không còn mang theo tinh thần ban đầu nữa mà đã trở thành một dạng tài sản đầu cơ, tích trữ. Tuy nhiên, sự phát triển và việc tiền điện tử được chính phủ các nước quan tâm cũng đã làm rõ xu hướng tiền tệ trong tương lai: Các chính phủ đã và đang thử nghiệm các dạng tiền điện tử để thay thế tiền giấy thông thường và cải tổ – số hóa hệ thống tài chính hiện tại.
CBDC – Central Bank Digital Currency – Tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành chính, là trụ cột của cuộc đua phát hành tiện điện tử của các chính phủ. Vậy CBDC có vai trò gì? Ưu và nhược điểm so với tiền giấy cũng như các dạng tiền điện tử hiện nay như thế nào? Hãy cùng Cafetaichinh.com tìm hiểu
CBDC (Central Bank Digital Currency) - Tiền điện tử của ngân hàng trung ương là gì?
Cụm từ CBDC (Viết tắt của: Central Bank Digital Currency) – Có thể được hiểu là hình thức tiền điện tử do Ngân hàng Trung Ương hoặc cơ quan quản lý tiền tệ phát hành. CBDC khác với các dạng tiền số/tiền ảo/crypto currency hiện nay vì được các chính phủ công nhận và dự định cho lưu thông hợp pháp. Khác với tiền crypto, CBDC sẽ không có tính phi tập trung, thay vào đó ngân hàng trung ương sẽ nắm vai trò ghi nhận tất cả những giao dịch của người dùng với nhau.
Một số thông tin về CBDC:
- CBDC là phiên bản tiền điện tử, đại diện cho đồng tiền của mỗi quốc gia trên nền tảng số.
- CBDC không có tính phi tập trung như Bitcoin, Etherum, CBDC sẽ được quản lý tập trung và kiểm soát bởi quy định của Ngân hàng trung ương.
- Hiện tại chưa có đồng CBDC nào chính thức được sử dụng. Riêng tại Trung Quốc đang thử nghiệm đồng e-RMB (Nhân dân tệ kỹ thuật số)
Tiền trong thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng giao dịch qua internet banking không phải giống hình thức tiền điện tử sao?
Thực ra, khi bạn thanh toán online, hay qua thẻ tín dụng, tiền của bạn không được chuyển trực tiếp từ tài khoản của bạn đến shop mà nó sẽ đi một đường dài như sau:
Như hình minh họa, bạn có thể thấy mặc dù giao dịch thanh toán thoạt nhìn chỉ diễn ra giữa 2 bên: shop và chủ thẻ nhưng thực chất có thể có nhiều đơn vị đứng sau để vận hành thanh toán (ngân hàng của 2 bên, mạng lưới thẻ, v/v…), và có thể bạn chưa biết các bên thứ ba đều tính phí xử lý cho các giao dịch, dẫn đến chi phí hàng hóa tăng lên. Việc phát hành tiền điện tử của ngân hàng trung ương có khả năng loại bỏ các đơn vị trung gian, làm giao dịch gọn diễn ra gọn nhẹ ở giữa hai bên mua bán và không phát sinh phí cho bên thứ ba.
Ưu nhược điểm của CBDC
Ưu điểm
CBDC chính là đồng tiền được tạo ra với mục đích sử dụng, trao đổi hằng ngày, giá trị của CBDC sẽ gắn với giá trị đồng tiền bản vị của quốc gia phát hành, vì vậy CBDC sẽ không phục vụ mục đích đầu cơ tích trữ, không có những màn bơm giá x2, x3 tài khoản hay chia 5 chia 10 tài khoản.
Không giống như các đồng tiền crypto hiện nay (như Bitcoin), hoạt động thông qua các mạng lưới blockchain (chuỗi khối) theo các phi tập trung, đồng tiền CBDC từ ban đầu đã được thiết kế để được kiểm soát bởi nhà phát hành, cụ thể là các ngân hàng trung ương. Các ưu điểm của CBDC có thể kể ra như: Giao dịch nhanh, loại bỏ các bên trung gian để giảm chi phí giao dịch và có độ bảo mật cao. CBDC cũng giúp việc giao dịch điện tử trở nên phổ biến cho nhiều đối tượng hơn vì không cần người dùng phải mở tài khoản ngân hàng để giữ tiền.
Nhìn xa hơn, CBDC giúp chính phủ kiểm soát các chính sách tiền tệ trong nước tốt hơn. Nếu các giao dịch đều được ghi nhận và kiểm soát bởi ngân hàng trung ương, họ sẽ có đủ dữ liệu chi tiết để hiểu về hành vi sử dụng tiền của người dân, giúp hoạch định các chính sách tiền tệ. Hiện nay, khi giao dịch chủ yếu dựa vào tiền mặt và không được kê khai đầy đủ, các chính phủ sẽ tốn rất nhiều thời gian khảo sát, nghiên cứu để nắm thông tin .
Ngoài ra, vì CBDC được nhà nước kiểm soát, giúp tăng độ an toàn và hợp pháp của các giao dịch tiền tệ, đẩy lùi các hoạt động như giao dịch hàng cấm, trái phép, lừa đảo tiền bạc. Đây hiện tại là điểm mạnh cũng như là điểm yếu của các đồng tiền điện tử: Vì tính ẩn danh của các đồng tiền điện tử hiện tại, giới tội phạm, trốn thuế thường sử dụng tiền điện tử để giao dịch vì đồng tiền này không được chính phủ theo dõi và kiểm soát.
Nhược điểm
Như đã nói ở trên, việc CBDC được ngân hàng trung ương kiểm soát vừa là ưu điểm, cũng là nhược điểm đối với một số người, bởi vì sự kiểm soát đó đánh mất sự riêng tư của người dùng. Với tiền giấy, bạn mua gì, chỉ có bạn và người bán biết. Nhưng với CBDC, chính phủ, ngân hàng cũng sẽ biết.
Nếu ngân hàng trung ương “ôm đồm” việc phát hành, vận hành lưu thông tiền điện tử, sẽ vô tình tạo ra sự cạnh tranh với các ngân hàng thương mại hiện có trên thị trường trong việc thu hút người sử dụng; đồng thời phải đẻ thêm một bộ máy nhân sự mới để phụ trách vận hành tiền CBDC.
So sánh CBDC và các loại tiền kỹ thuật số hiện tại Bitcoin, Etherum
Tuy về tên gọi, tiền điện tử crypto hay tiền kỹ thuật số do ngân hàng phát hành có thể giống nhau nhưng thực sự sẽ có những điểm khác biệt lớn như sau:
CBDC là đồng tiền được kiểm soát tập trung bởi ngân hàng trung ương; mạng lưới chuỗi khối ghi nhận giao dịch sẽ chỉ được tiếp cận và tương tác bởi các cơ quan quản lý được cấp phép (ví dụ: như cục dự trữ liên ban, bộ tài chính, cơ quan thuế). CBDC được sử dụng làm phương tiện thanh toán, các hình thức tích trữ, đầu cơ sẽ bị cấm.
Ở chiều ngược lại, tiền crypto là các tài sản số được kiểm soát phi tập trung bởi cộng đồng người dùng, bất kì ai cũng có thể xem và tiếp cận chuỗi khối ghi nhận các giao dịch. Tiền crypto không có cơ quan quản lý vì vậy người dùng có thể dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư tùy thích. Ngoài ra, lượng tổng tiền crypto thường có giới hạn và không thể thay đổi nếu không được cộng đồng người dùng chấp nhận.
Theo Bloomberg, cuộc thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã đạt lưu lượng giao dịch đến 5,3 tỷ đô la
Mô hình E-CNY - Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại Trung Quốc
Hiện tại chưa có quốc gia nào chính thức lưu thông tiền điện tử, ở mảng nghiên cứu và thử nghiệm, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu, chính phủ Trung Quốc đang vận hành đồng Nhân dân tệ số (e-CNY/ e-RMB) thông qua các ngân hàng nhà nước.
Chương trình thử nghiệm được chia làm 2 lớp vận hành. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc phát hành đồng tiền E-CNY cho nhóm các ngân hàng nhà nước và một số cơ quan tài chính. Các ngân hàng sau đó sẽ phát hành cho khách hàng của mình để sử dụng.
Trong giai đoạn thử nghiệm, tiền E-CNY được phát hành ngẫu nhiên dưới dạng quà tặng cho một số khách hàng được chọn. Ở giai đoạn phát hành chính thức, có thể chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng E-CNY để trả lương cho công chức chính phủ, lực lượng chiếm khoảng 15% tổng nhân lực lao động của quốc gia.
Tương lai của CBDC
Tiền điện tử crypto, tính tới thời điểm này đều là sản phẩm tiền tệ được phát hành bởi các nhóm người dùng nhỏ nên sẽ thiếu khả năng phổ biến, nhân rộng và tích hợp vào thói quen sử dụng tiền tệ trong đời sống của mọi người; trong khi đó CBDC đang được các chính phủ nhanh chóng nghiên cứu phát triển và thử nghiệm, với nguồn năng lực phát triển sản phẩm lớn, có thể trong tương lai CBDC sẽ trở thành sản phẩm tiền tệ chính thống, đẩy các đồng tiền cryptocurrency hiện tại trở về vai trò tài sản đầu cơ, hoặc phục vụ cho các mục đích chuyên biệt.
Bạn cần vay tiền online nhanh chóng? Thử tham khảo các trang vay tiền sau do Cafetaichinh.com tuyển lọc nhé!