“Thiên kiến xác nhận”: Đừng làm ‘thầy bói sờ voi’ khi đầu tư!

Thiên kiến xác nhận là xu hướng tìm kiếm thông tin củng cố cho niềm tin, quan điểm của bản thân, "bỏ qua" hoặc "phớt lờ" những thông tin trái chiều.
Untitled 1 Recovered

Mục lục

 “Thiên kiến xác nhận”, cụm từ không mấy phổ biến nhưng nếu liên hệ ví dụ sau, chắc hẳn bạn cũng có thể “ồ, à” vì đôi khi mình cũng mắc phải đấy!

 Hãy nhớ lại câu chuyện “Thầy bói xem voi”, khi mỗi ông chỉ được sờ một khúc của chú voi, tương tự việc chỉ mới tiếp cận một phần thông tin, nhưng lại đưa ra những nhận định “chém gió” và khẳng định mình đúng. Một ví dụ khác, bạn để ý mỗi lần mình vào quán ăn, dù quán vắng khách thế nào đi nữa thì lát sau quán lại đông đúc lạ thường. Bạn nghĩ rằng…mình có “lộc”, có khả năng “chiêu tài” giúp quán. Bên trên là vài ví dụ điển hình cho thiên kiến xác nhận – “kẻ thù” thầm lặng nhưng vô cùng nguy hiểm trong hành trình đầu tư của bạn.

Trong thế giới đầu tư, đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao mình đã nghiên cứu con cổ phiếu FLC rất kỹ, quyết định all in để rồi lỗ chỏng vó? Mình đọc tin thấy MWG bị báo dìm quá, sợ cắt lỗ không kịp nên quyết định bán, để rồi cổ phiếu MWG bật tăng trở lại? Với tất cả ví dụ trên câu trả lời có thể nằm ở việc bạn đã bị “thiên kiến xác nhận” thao túng tâm lý.

Thiên kiến xác nhận là gì?

Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias), một trong số những thiên kiến nhận thức (cognitive bias), là xu hướng tìm kiếm và tiếp nhận thông tin củng cố cho niềm tin, quan điểm hay giả thuyết sẵn có của bản thân. Nói cách khác, chúng ta có xu hướng "bỏ qua" hoặc "phớt lờ" những thông tin trái chiều, chỉ tập trung vào những gì ủng hộ cho lựa chọn của mình

Tác hại của thiên kiến xác nhận trong đầu tư

1. Dẫn đến quyết định đầu tư sai lầm:

Khi chỉ tập trung vào những thông tin ủng hộ cho quan điểm của mình, bạn có thể bỏ qua những rủi ro tiềm ẩn và đưa ra quyết định đầu tư sai lầm. Ví dụ, bạn tin rằng một cổ phiếu thép sẽ tăng giá, do đó bạn chỉ tập trung tìm kiếm những thông tin ủng hộ cho nhận định này như “Dự đoán ngành thép sẽ tăng trưởng X% trong năm nay”, và bỏ qua những thông tin cho thấy cổ phiếu đó có thể rủi ro như tin “Đình chỉ hàng loạt dự án xây dựng”.

2. Mất cơ hội đầu tư tốt:

Thiên kiến xác nhận khiến bạn bỏ qua những cơ hội đầu tư tốt vì bạn chỉ tập trung vào những khoản đầu tư phù hợp với quan điểm của mình. Ví dụ, bạn chỉ đầu tư vào cổ phiếu, và bỏ qua những khoản đầu tư khác như trái phiếu, bất động sản, v.v., vì bạn tin rằng cổ phiếu là kênh đầu tư tốt nhất (hoặc vì đội Marketing của công ty chứng khoán đã làm quá tốt nhiệm vụ)

3. Tăng mức độ rủi ro:

Khi chỉ tập trung vào những thông tin ủng hộ cho quan điểm của mình, bạn có thể đánh giá thấp mức độ rủi ro của khoản đầu tư. Ví dụ, bạn tin rằng một công ty nào đó rất tiềm năng, do đó bạn đầu tư tất cả tiền của mình vào công ty đó, mà không quan tâm đến những rủi ro tiềm ẩn như tình hình tài chính của công ty, thị trường, v.v.

4. Gây khó khăn trong việc học hỏi và phát triển:

Thiên kiến xác nhận khiến bạn khó tiếp thu những ý kiến trái chiều và học hỏi những kiến thức mới. Ví dụ, bạn luôn tin rằng mình đúng, do đó bạn không bao giờ tiếp thu ý kiến của người khác, ngay cả khi đó là những người uy tín, có kinh nghiệm, điều này khiến bạn khó phát triển bản thân và trở thành nhà đầu tư thành công.

Làm gì để vượt qua thiên kiến xác nhận?

Vượt qua thiên kiến xác nhận là điều cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Dưới đây là một số cách để bạn có thể làm điều này:
1. Tìm kiếm thông tin đa chiều:
• Đọc các bài báo, tham gia vào các nhóm thảo luận với nhiều quan điểm khác nhau, và không chỉ tập trung vào những thông tin ủng hộ cho lựa chọn của bạn. Nói cách khác, bạn phải tỉnh táo trước những lời hô hào của đội lái, những lời kêu gọi “anh em lên thuyền!”, “to the moon”
• Tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài chính, những người có kinh nghiệm đầu tư, và không chỉ dựa vào suy nghĩ của riêng bạn.
2. Cân nhắc những rủi ro:
• Đầu tư luôn có rủi ro, hãy luôn cân nhắc những rủi ro có thể xảy ra, tự hỏi bản thân “kèo thơm” này có rủi ro gì và không chỉ tập trung vào lợi nhuận tiềm năng.
• Phân tích kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị của khoản đầu tư, bao gồm tình hình kinh tế, thị trường, và bản thân doanh nghiệp và nhớ lập kế hoạch dự phòng cho các trường hợp xấu nhất, để giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra.
3. Kiên nhẫn và kỷ luật:
• Đầu tư là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỷ luật vì vậy không nên vội vàng đưa ra quyết định đầu tư, hãy dành thời gian nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng.
• Kiên định với chiến lược đầu tư của bạn, không nên thay đổi liên tục vì những biến động ngắn hạn của thị trường.
4. Học hỏi từ những sai lầm:
• Ai cũng có thể mắc sai lầm trong quá trình đầu tư.Quan trọng là bạn phải học hỏi từ những sai lầm đó để không lặp lại trong tương lai. Hãy nhìn nhận sai lầm như một cơ hội để học hỏi và trưởng thành.