“‘Skin in the Game’ là gì? Làm Sao Để Không Bị ‘Lột Da’ Bởi Thị Trường?”
Làm thế nào để nhận diện những người "nói mà không làm"? Hãy cùng tìm hiểu khái niệm "Skin in the Game" để tìm ra người thật, việc thật, đầu tư thật, rủi ro và thành công thật
- March 8, 2024
Mục lục
Trong thời đại một mét vuông có 10 chuyên gia tài chính, hàng chục chiến thần đọc lệnh, chắc hẳn bạn đã từng mở Facebook/ Youtube và bắt gặp video hoặc bài đăng với tựa đề hấp dẫn như “Làm thế nào tôi đã x10 tài khoản chỉ trong một tháng!” hay “Bí quyết đầu tư x20 lợi nhuận không ai nói với bạn”? Những idol này thường xuất hiện với vẻ ngoài lấp lánh, tự tin hứa hẹn sẽ dẫn dắt bạn đến với thế giới của những khoản lợi nhuận không tưởng – chỉ cần bạn “bấm like, share và đăng ký kênh”.
Có một điều mà các idol này thường quên mất (hoặc cố tình không nhắc đến): Đó là rủi ro. Và rủi ro này không phải là việc bạn có thể mất một chút tiền. Người viết muốn nói về việc bạn có thể mất tất cả tiền, kể cả số tiền bạn dành dụm để mua chiếc xe mơ ước, hay số tiền “đi chợ” mà vợ bạn giao cho. Những câu chuyện về thất bại không bao giờ được các “idol đọc lệnh” chia sẻ. Có lẽ vì chủ đề “Thế quái nào mà tôi đã mất sạch tiền trong một ngày vào BO” không hấp dẫn bằng những chủ đề “Làm giàu nhanh chóng”.
Nếu theo dõi đủ lâu, bạn sẽ nhận ra một mô hình: những lúc thị trường đi lên, idol của chúng ta sẽ “show” lợi nhuận không ngừng nghỉ. Nhưng khi thị trường lao dốc, họ sẽ bật chế độ mất trí nhớ, hoặc chuyển chủ đề khác. Có lẽ họ đang bận “tìm kiếm cơ hội mới” hoặc họ cũng đang lỗ sấp mặt khi đầu tư mà không dám show ra.
Skin in the game là gì?
"Skin in the game" là một khái niệm trong đầu tư, kinh doanh, nhấn mạnh sự có tham gia đầu tư thực tế của cá nhân hoặc tổ chức, không chỉ là đưa ra lời khuyên hay quan điểm từ xa, mà họ thực sự chịu trách nhiệm và có liên quan trực tiếp đến kết quả đầu tư từ những quyết định hoặc hành động của mình.
Hãy tưởng tượng một ông CEO đứng trước toàn thể công ty trong buổi meeting, cầm trên tay một chiếc thuyền giấy. Ông ấy nói, “Đây là con thuyền đại diện cho công ty chúng ta, và tôi sẽ cho các bạn thấy tôi cũng có ‘skin in the game’ như thế nào.” Ông ấy đặt một tờ tiền vào trong chiếc thuyền giấy và thả nó xuống một bể cá nhỏ trên sân khấu.
“Tôi muốn mọi người hiểu rằng, nếu con thuyền này chìm, tôi không chỉ mất tiền, mà còn mất luôn chiếc thuyền giấy yêu quý của mình. Nhưng nếu nó trôi được qua bể cá mà không bị chìm, không chỉ tôi mà tất cả chúng ta sẽ tiến bước cùng nhau.” CEO tiếp tục, “Và nếu ai đó thấy con cá nhảy lên và ăn mất tờ tiền của tôi, đó chính là biểu hiện của ‘rủi ro thị trường’. Điều quan trọng là chúng ta phải sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả khi bị cá cảnh tấn công.”
Vì vậy “Skin in the Game” không chỉ là việc một người show off khoản lợi nhuận khổng lồ trên mạng xã hội mà không chia sẻ về những lần thất bại. Một người chính trực và công tâm cần thực sự chia sẻ cả hai mặt của đồng tiền: chiến thắng và thất bại. Đó là khi họ không chỉ nói về “cách làm giàu nhanh chóng” mà còn về “cách không mất sạch tiền trong một ngày”.
Nhận diện những kẻ “nói mà không làm”
Bây giờ, bạn đã biết rằng “Skin in the Game” quan trọng thế nào, làm sao để phát hiện những người chỉ chém gió mà không thực sự tham gia? Dấu hiệu đầu tiên là sự mập mờ. Nếu ai đó luôn nói về lợi nhuận mà không bao giờ chia sẻ về những thất bại hoặc rủi ro, có lẽ họ không thực sự có “da” trong trò chơi. Một cách tốt để bạn yêu cầu minh bạch từ họ, bạn có thể hỏi thẳng rằng: “Ông đã đầu tư bao nhiêu vào con coin/cổ phiếu/mảng này? Và lời lỗ thế nào? Rủi ro là gì?”
Làm thế nào để áp dụng quy tắc “have skin in the game” vào mảng đầu tư cá nhân của bạn
Khi muốn nhận lời khuyên hoặc lựa chọn cá nhân, đơn vị tư vấn đầu tư, hãy tìm kiếm những quản lý quỹ và cố vấn đầu tư có “Skin in the Game” là một bước quan trọng. Họ không chỉ nói – họ còn phải thực sự hành động theo lời khuyên của mình. Một ví dụ điển hình có thể là:
Học hỏi và lựa chọn các nhà quản lý Quỹ Đầu tư Tại Các Công Ty Chứng Khoán và Quản lý Quỹ Đầu tư Uy Tín: Nhiều chuyên gia tài chính hàng đầu ở Việt Nam, làm việc tại các công ty chứng khoán hoặc quản lý quỹ đầu tư lớn như VinaCapital, Dragon Capital, hay Techcom Capital, thường có phần vốn đầu tư cá nhân trong các quỹ mà họ quản lý. Điều này không chỉ cho thấy sự tự tin vào chiến lược đầu tư mà họ đề xuất mà còn minh chứng cho sự cam kết của họ với thành công của quỹ.
Tham khảo và học theo các Doanh Nhân và CEO Công Ty: Một số doanh nhân và CEO tại Việt Nam cũng thể hiện rõ ràng “Skin in the Game” bằng cách đầu tư lớn vào công ty của chính họ. Họ tin tưởng vào sứ mệnh và tiềm năng phát triển của công ty mình tới mức sẵn lòng đặt nguồn lực cá nhân vào dự án. Điều này không chỉ tăng cường niềm tin từ các nhà đầu tư khác mà còn khẳng định sự tự tin và cam kết của họ với doanh nghiệp.
Kết luận:
Hãy thực tế và tỉnh táo. Trong thế giới đầu tư, không có bữa trưa miễn phí (Nếu một người không thân lắm mời bạn gì đó, chắc chắn bạn sẽ nhận kèm một lời “mời gọi” hoặc một “offer” từ trên trời rơi xuống). Khi bạn thấy một idol trader “show” lợi nhuận khủng mà không một chút nhắc nhở về rủi ro, hãy nhớ rằng họ có thể chỉ đang “chém gió”. Và trong khi chúng ta đều thích nghe về câu chuyện làm giàu nhanh chóng, hãy nhớ rằng đầu tư là một hành trình dài hơi, đòi hỏi kiên nhẫn, kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm.
Những người thực sự có “skin in the game” sẵn lòng chia sẻ cả những thất bại lẫn thành công. Họ hiểu rằng mỗi quyết định đầu tư mang theo rủi ro và lợi ích, và họ không ngần ngại thể hiện điều đó. Vì vậy, trước khi bạn quyết định “all-in” theo lời khuyên của một idol trader, hãy tự hỏi, “Liệu họ có thực sự ‘đặt da vào trò chơi’, hay chỉ đang tìm cách “lột da” những người nghe theo họ?”