Tìm hiểu Tín chỉ carbon (Carbon credit): Câu chuyện xả khói trả “vàng”

Ý tưởng của hệ thống tín chỉ carbon thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, trở nên sạch và xanh hơn.
carboncredit

Mục lục

Nếu thoạt nghe loáng thoáng về định nghĩa Tín chỉ carbon “: Cho phép xả thải khí nhà kính” hoặc việc có cả một thị trường mua bán nó, chắc hẳn bạn sẽ thấy kỳ quặc. Tại sao lại cho phép thứ mua bán trao đổi thứ đang làm hại Trái Đất? Chuyện này nghe có vẻ phản khoa học và chống lại môi trường, nhưng thực tế còn nhiều cú “twist” hay ho hơn…hãy cùng Cafe Tài Chính tìm hiểu nhé!

Nguồn gốc ra đời tín chỉ Carbon

Vào cuối những năm 1980, khi các nhà máy ở Mỹ phát thải lượng lớn khí CO2, SO2, dẫn đến mưa axit làm hại các loại động thực vật và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính phủ không thể cấm các nhà máy đó hoạt động vì sẽ gây ra khủng hoảng lớn hơn. Vì vậy giải pháp của chính phủ Mỹ vào năm 1990 là tạo ra một hệ thống đặt ra mức giới hạn phát thải CO2 cho mỗi ngành công nghiệp, sau đó chia nhỏ giới hạn này thành giấy phép cho các công ty, đây chính là khởi đầu của tín chỉ carbon. Tất nhiên sẽ có công ty vì phát thải ít, sẽ sử dụng không hết các giấy phép này hoặc ngược lại, sẽ có công ty vì nhu cầu lớn, đốt nhiên liệu rất nhiều và sẽ bị thiếu giấy phép xả thải CO2. Vì vậy các công ty bị thiếu sẽ đi mua từ các công ty dư thừa, tạo nên thị trường giao dịch tín chỉ carbon. 

Tám năm sau, mức độ mưa axit trên ở miền đông nước Mỹ đã giảm 20%, và vì vậy một cách mới để cắt giảm lượng khí thải CO2 đã được ra đời và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Mỗi năm, giới hạn tín chỉ carbon sẽ trở nên chặt chẽ hơn và lượng giấy phép giảm dần sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Ý tưởng của hệ thống tín chỉ carbon thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, trở nên sạch và xanh hơn.

Tín chỉ carbon là một dạng giấy phép có thể giao dịch, cho phép người nắm giữ được phát thải một lượng nhất định khí Carbon dioxide (CO2) hoặc các khí nhà kính khác. Một tín chỉ tương đương với một tấn CO2. Mục đích là đặt giới hạn tổng lượng khí phát thải và giảm dần theo thời gian bằng cách làm cho việc xả thải CO2 trở nên có lợi về mặt tài chính cho các công ty và quốc gia. Nếu một bên phát thải ít hơn giới hạn cho phép của mình, họ có thể bán phần thừa tín chỉ cho những người khác vượt quá giới hạn của họ, khuyến khích việc giảm tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.

Tín chỉ carbon giá bao nhiêu? Ai định giá?

Giá của tín chỉ carbon thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhu cầu cung và cầu của thị trường, loại dự án tạo ra tín chỉ carbon (dự án năng lượng tái tạo, xe điện, trồng rừng…). Có hai loại thị trường chính cho tín chỉ carbon: thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc.
Thị trường tự nguyện (Voluntary market): Các doanh nghiệp, chính phủ mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của họ một cách tự nguyện, nhằm đạt được các mục tiêu trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR). Giá trong những thị trường này được xác định bởi động lực cung cầu của thị trường, và có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng và khả năng kiểm chứng của tín chỉ, cũng như các dự án tạo ra những tín chỉ này. Nếu bạn nghĩ chuyện mua tín chỉ carbon để thực hiện CSR là “làm màu” thì bạn đã lầm, vì rất nhiều công ty lớn trên thế giới sẵn sàng chi rất nhiều tiền mua tín chỉ carbon để có thể “xanh hóa” thượng hiệu của mình, đạt mục tiêu tổng lượng phát thải CO2 bằng 0
Apple supplier clean energy goals inline.jpg.slideshow xlarge 2x scaled

Apple đặt mục tiêu trung hòa carbon trong toàn chuỗi cung ứng vào năm 2030. Những củ sạc, tai nghe, hộp giấy thu nhỏ hoặc biến mất khi bạn mua sản phẩm Apple cũng là để phục vụ mục tiêu này.

Thị trường bắt buộc (Compliance market): Chính phủ hoặc các cơ quan quản lý khác đặt ra giới hạn về lượng khí thải mà các tổ chức có thể phát thải và buộc họ phải mua tín chỉ carbon nếu họ muốn vượt qua giới hạn đó. Giá trên thị trường bắt buộc có thể được ảnh hưởng bởi các yếu tố chính sách, bao gồm mức giới hạn khí thải, số lượng tín chỉ đã phát hành và các quy định về việc sử dụng tín chỉ.

Giá của 1 tín chỉ Carbon theo hệ thống trao đổi khí thải châu Âu (EU ETS) vào khoảng 60-80 Euro. Bạn có thể tham khảo giá cập nhật tại đâyNếu vẫn còn thấy ảo, bạn nên biết Việt Nam đã bán 10.3 triệu tín chỉ cho ngân hàng thế giới, thu về 51.5 triệu USD. Tuy nhiên nếu chia ra thì giá mỗi tín chỉ ở Việt Nam chỉ trị giá 5 USD vì đây là hình thức World Bank trả tiền cho Việt Nam để “giữ rừng”, không chặt cây, giúp hấp thụ khí CO2.

Tạo ra và bán tín chỉ carbon như thế nào?

Tạo ra và bán tín chỉ carbon là một quá trình cơ bản gồm 4 bước, bao gồm phát triển dự án giảm phát thải, xác minh, và cuối cùng là bán tín chỉ trên thị trường.

1. Xác định và Phát triển Dự án Lên kế hoạch: Chọn một dự án có khả năng giảm hoặc hấp thụ khí nhà kính, ví dụ như trồng rừng, quản lý rừng bền vững, hoặc các dự án năng lượng tái tạo. Sau đó có thể uớc tính lượng giảm phát thải khí nhà kính mà dự án sẽ tạo ra thông qua bên thứ ba độc lập để đảm bảo tính khách quan và chính xác.

2. Xác minh và Chứng nhận Một tổ chức chứng nhận độc lập sẽ kiểm tra dự án để đảm bảo rằng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thực sự giúp giảm phát thải khí nhà kính. Nếu dự án được xác minh thành công, nó sẽ được cấp một lượng tín chỉ carbon tương ứng với lượng giảm phát thải. Dự án cần được theo dõi và báo cáo định kỳ để xác nhận rằng nó tiếp tục tạo ra giảm phát thải như dự kiến.

Một số tổ chức uy tín toàn cầu có thể tham khảo để xác nhận dự án có tín chỉ carbon uy tín có thể kể ra như Verified Carbon Standard (VCS) by Verra, Gold Standard (GS)

4. Bán Tín Chỉ
Tín chỉ có thể được bán thông qua các sàn giao dịch chính thức hoặc trực tiếp cho các tổ chức muốn mua chúng để bù đắp lượng phát thải carbon của họ.

Việc tạo ra và bán tín chỉ Carbon tại Việt Nam của các công ty Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nhà máy đường, các công trình điện gió, đập thủy điện.

diengiobaclieu scaled

Ngoài việc cung cấp điện và làm nền ảnh sống ảo Instagram rất đẹp, Công trình điện gió Bạc Liêu còn được cấp chứng nhận chứng chỉ carbon từ Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu

Bán tín chỉ carbon có phải là cú lừa?

Việc giao dịch tín chỉ carbon là chuyện tiền tươi thóc thật, nhưng vẫn  có những trường hợp lừa đảo liên quan đến tín chỉ carbon, các tay lùa gà thường lợi dụng sự phức tạp và thiếu minh bạch trong thị trường tín chỉ carbon. Những lừa đảo này có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức, bao gồm:

Dự án bánh vẽ: Những tên lừa đảo có thể tuyên bố đang phát triển các dự án giảm phát thải carbon, như trồng rừng hoặc dự án năng lượng tái tạo, nhưng thực tế các dự án này hoặc không tồn tại, không thuộc về họ, hoặc họ phóng đại lợi ích. Những trùm lừa này sẽ bán tín chỉ carbon không tồn tại hoặc không hợp lệ cho những đơn vị mua thiếu hiểu biết hoặc ham muốn mua đi bán lại để kiếm lời. Ví dụ gần đây, một cặp vợ chồng Đài Loan đã “bánh vẽ” một dự án tạo ra thiếu bị giảm phát thải và mời gọi các nhà đầu tư tham gia, với lời hứa sẽ mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư.

Đếm một thành hai: Một số đơn vị có thể bán cùng một tín chỉ carbon cho nhiều người mua. Điều này làm rối loạn  thị trường  tín chỉ carbon và giảm lợi ích môi trường.

Lừa đảo Đầu tư: Kẻ gian giả mạo là các công ty giao dịch tín chỉ carbon uy tín, kêu gọi góp vốn dưới danh nghĩa đầu tư vào tín chỉ carbon, chúng  hứa hẹn lợi nhuận cao từ việc mua tín chỉ carbon được định giá quá cao hoặc hoàn toàn là đồ “fake”.

Đầu cơ thổi giá: Bất cứ hàng hóa nào có biến động số lượng và giá cả, sẽ có những thành phần “cơ hội” cố gắng dự đoán sự thay đổi giá và hy vọng kiếm được lợi nhuận từ chênh lệch. Việc đầu cơ trên thị trường tín chỉ carbon đôi khi bị chỉ trích vì có thể làm méo mó mục đích chính là giảm lượng khí nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Tín chỉ carbon có hiệu quả thật không?

Với người bán tín chỉ, chắc chắn họ sẽ thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, với bên mua, có nhiều yếu tố phải suy xét hơn, ví dụ như: 

  • Hiệu quả thực sự:  Một số dự án bù đắp carbon có thể không mang lại lợi ích môi trường như đã hứa, hoặc thậm chí là gây hại nếu chúng không được quản lý hoặc kiểm toán chặt chẽ.

  • Giảm tinh thần trách nhiệm giảm phát thải: Việc mua tín chỉ carbon có thể khiến một số tổ chức cho rằng họ đã đóng góp đủ cho việc bảo vệ môi trường và không cần thiết phải thực hiện thêm các biện pháp giảm phát thải trực tiếp tại chỗ của họ. Ví dụ: Thay vì các công ty gang thép nghiên cứu cách nấu thép sao cho xả thải ít hơn, họ vẫn tiếp tục dùng công nghệ cũ, miễn sao tìm được nguồn tín chỉ carbon rẻ để bù đắp phần xả thải dư.

    Ảnh hưởng tới cộng đồng địa phương: Một số dự án tạo ra tín chỉ carbon có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng địa phương, ví dụ hạn chế quyền tiếp cận đất đai hoặc tài nguyên khi xây dựng các dự án năng lượng tái tạo

  • Tính minh bạch và xác minh: Thiếu minh bạch và khó khăn trong việc xác minh thực tế hiệu quả của dự án carbon là một vấn đề. Không phải tất cả các dự án đều tuân theo tiêu chuẩn cao về xác minh và báo cáo.

Tất nhiên dù có những lo ngại như trên, việc mua tín chỉ carbon vẫn là một công cụ quan trọng trong chiến lược toàn diện nhằm giảm phát thải và chống lại biến đổi khí hậu, miễn là nó được thực hiện một cách cẩn thận, có chọn lọc. Với Việt Nam, đó sẽ là nguồn doanh thu lớn nếu được khai thác đúng cách.